Tuesday, May 21, 2019

Tị Nạn với Di Dân - Bài của cha nội Nam Lộc viết. Tựa bài là tôi chế ra.

Đăng lại bài viết của ông Nam Lộc. 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Một vài cảm nghĩ về các đề nghị cải tổ di trú ở HK hiện nay: Thấy người, lại nhớ đến ta)                             

Có thể nói rằng suốt hơn 40 năm qua, ngoại trừ một số vị đã sống ở ngoại quốc trước tháng Tư, 1975, còn thì hầu hết người Việt tỵ nạn chúng ta đều đã hơn một lần phải mang ơn một sắc dân, một đất nước, hay một chủng tộc khác. Nói riêng, chỉ nội gia đình tôi thôi, thì ông bố đã vượt biển đến Hồng Kông, được họ giúp đỡ năm bẩy tháng rồi sau đó qua định cư tại Bỉ quốc. Ít lâu sau, hai cậu em trai của tôi đang lênh đênh chờ chết ngoài đại dương thì được tầu chở dầu của Kuwait cứu vớt, họ cũng nuôi cho sống tạm vài tháng, rồi chuyển qua trại tỵ nạn ở Hy Lạp, trước khi được tôi bảo lãnh sang Hoa Kỳ. Thấy các anh vượt thoát thành công, hai cô em gái cũng bắt chước “vượt biên”, nhưng bằng đường bộ, cuối cùng bị nhóm tổ chức người “đồng hương” lừa đảo, bỏ rơi giữa đường, lạc lõng trong những khu rừng già thăm thẳm. Nhưng cũng may, nhờ vào lòng từ tâm của những người nông dân Cam Bốt tốt bụng, họ đã không những che chở cho hai cô em tôi cùng mấy người bạn tránh bị bọn Khmer Đỏ tra tấn, bóc lột, hãm hiếp, mà còn hướng dẫn cả đoàn đến được trại tỵ nạn đường bộ Nong Chan ở Thái Lan một cách an toàn. Và dĩ nhiên tại đây, các em tôi cùng những người Việt tỵ nạn, không ít thì nhiều đã dang tay nhận sự cứu giúp của dân chúng và chính quyền Thái Lan, họ đã cho thức ăn, quần áo và quan trọng hơn cả là niềm hy vọng để...sống!

Tôi mới chỉ đơn cử có 3 trường hợp của gia đình mình thôi mà xem như đã mang ơn đến hơn 7 chủng tôc, hay 7 quốc gia khác nhau. Đấy là chưa kể đến mấy người em khác đã đến Indonesia, Mã Lai v..v.. sau đó, đặc biệt là mấy đứa em tinh thần thuộc nhóm “người Việt còn lại” bị kẹt ở Phi Luật Tân gần 25 năm, và nếu không được những người dân làng Palawan nghèo khổ ở thị trấn Puerto Princesa mở rộng vòng tay cưu mang và giúp đỡ thì có lẽ bây giờ nhiều đồng bào của chúng ta đã chết trong vùng kinh tế mới khi bị đất nước này cưỡng bức hồi hương theo lệnh Liên Hiệp Quốc!

Thậm chí ngay cả khi chương trình ODP được thành lập để giúp người tỵ nạn VN ra đi một cách “có trật tự” trong đó có mẹ tôi và cậu em trai lớn, thay vì phải liều chết vượt biển. ODP hay Orderly Departure Program còn bao gồm các chương trình phụ (sub-programs) như Re-Education Detainee, mà chúng ta thường gọi là ”HO”, McCain Children (con trên 21 tuổi của quý vị tù nhân cải tạo), HR (Humanitarian Resettlement) hoặc Amerasian (diện định cư những người Con Lai Việt Mỹ) v..v... Tất cả đều phải đi qua các trại chuyển tiếp và ở đó một thời gian để làm thủ tục định cư hoặc hướng dẫn về đời sống mới như Phanat Nikhom (Thái Lan), hoặc Bataan (Phi Luật Tân) v..v...

Trong lúc đó người Việt tỵ nạn được những quốc gia tự do như Hoa Kỳ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Bỉ, Đức, Hòa Lan, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ v..v.. nhận cho định cư, hầu hết các tổ chức cộng đồng chỉ vừa mới thành lập nên hoạt động còn rất yếu ớt, thế nhưng lòng yêu nước, thương đồng bào thì vô cùng mạnh mẽ. Nhiều cuộc vận động để yểm trợ phong trào kháng chiến, để tranh đấu cho quyền tỵ nạn của các thuyền nhân, cũng như để chống cưỡng bức hồi hương đã nổi lên ở khắp mọi nơi.

Riêng tại Hoa Kỳ, tôi còn nhớ lúc đó cộng đồng chúng ta mới có một vị “dân cử” duy nhất là ông Tony Lâm, nhưng chỉ là nghị viên của một địa phương nhỏ, vì thế mỗi khi đi vận động hành lang tại quốc hội liên bang chúng ta đều phải nhờ vào lòng từ tâm của quý vị dân biểu hoặc nghị sĩ chính nguồn. Ngoài các ông Chris Smith, Howard Berman, bà Zoe Lofgren cùng hai vị dân biểu ở quận Cam mà cộng đồng chúng ta hay gõ cửa là ông Ed Royce và Dana Rohrabacher hoặc bà Thượng Nghị Sĩ Dianne Feinstein, thì còn 4 vị dân biểu gốc Mễ Tây Cơ, nhưng rất sốt sắng đó là bà Grace Napolitano đơn vị 32, ông Xavier Becerra đơn vị 34, bà Linda Sanchez đơn vị 38, và bà Loretta Sanchez thuộc đơn vị 46.

Về phía hội đoàn, mặc dù lúc đó người Việt chúng ta có mặt trong tổ chức Southeast Asia Resource Action Center (SEARAC) mà giáo sư Lê Xuân Khoa làm chủ tịch, nhưng vẫn không có các thành viên nào là dân cử liên bang, vì thế các cơ quan thiện nguyện phải nhờ vào sự tiếp tay của các tổ chức di dân khác. Và có lẽ ngoài các hội cộng đồng VN, thì sự hỗ trợ mạnh mẽ và thành công nhất mà chúng ta nhận được trong các cuộc vận động cho việc định cư thuyền nhân, chương trình “HO”, McCain, HR , hoặc chống cưỡng bức hồi hương v..v.., là nhờ vào sự giúp đỡ của ba tổ chức: APALC tức Asian Pacific American Legal Center, CHIRLA (The Coalition for Humane Immigrant Rights of Los Angeles), cùng NALEO viết tắt của chữ National Association of Latino Elected Officials. Hai cơ quan sau này thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Mễ Tây Cơ, nhưng hoạt động rất hăng hái và ảnh hưởng mạnh mẽ tại lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ, đặc biệt vì họ có nhiều thành viên là dân biểu và nghị sĩ liên bang, nên đã thay chúng ta đối đầu cũng như tranh luận trong các cuộc bỏ phiếu hàng năm cho ngân quỹ cùng tỷ lệ người tỵ nạn VN được nhận vào định cư ở nước Mỹ.

Kể ra như vậy thì ít nhiều gì đồng bào tỵ nạn mình cũng mang ơn cộng đồng Latino một phần nào, và chắc chắn những người đã sẵn lòng giúp đỡ thì sẽ chẳng bao giờ họ chờ mong để nhận lại một điều gì ngoài những lời chúc ơn lành của Thượng Đế! Ấy thế mà tôi cũng được chứng kiến tấm lòng nhớ ơn và trọng nghĩa của bao nhiêu người Việt tỵ nạn. Rất nhiều gia đình được người Mỹ bảo lãnh, nay đời sống đã ổn định, con cái thành công, họ trở lại tìm những người bảo trợ năm xưa để đền ơn, đáp nghĩa. Nhóm “người Việt còn lại” bị thế giới lãng quên ở Phi Luật Tân ngày nào, sau khi được Hoa Kỳ, Canada và Na Uy định cư chừng vài năm họ đã quyên góp để xây trường học cho những dân làng đã từng cưu mang họ. Kỷ niệm 40 năm viễn xứ, cá nhân tôi được hân hạnh tham dự buổi gây quỹ “Thank You Australia” do cộng đồng người Việt tại Mebourne, Úc Châu tổ chức và họ đã trao một chi phiếu hơn nửa triệu Úc Kim cho bệnh viện nhi đồng Royal Children Hospital tại địa phương này. Và dĩ nhiên còn nhiều sinh họat tương tự và ý nghĩa như vậy diễn ra ở khắp mọi nơi.

Tôi còn nhờ mình đã gần khóc khi đọc câu kết luận qua bài báo mà ký giả George Will viết về chị Dương Nguyệt Ánh trên tuần báo Newsweek năm 2007. Ông nói “Cám ơn Dương Nguyệt Ánh. Cô đã trả món nợ mà cô nói cô nợ của nước Mỹ, cô đã hoàn trả đầy đủ, không thiếu một xu, lại còn thêm cả tiền lời....”! Đọc xong bài báo đó tôi chợt nghĩ đến mình, đến bố tôi, và các em tôi. Chị Dương Nguyệt Ánh cùng gia đình được nước Mỹ nhận định cư ngay sau tháng Tư 1975, cũng như Thiểu Tướng Lương Xuân Việt, hoặc ông cựu phụ tá Bộ Trưởng Tư Pháp Đinh Việt, tác giả bộ luật Patriot Act. Họ đã may mắn có cơ hội đóng góp, phục vụ và gián tiếp “trả ơn” cho xứ sở này. Thế còn tôi, làm sao để có thể “đền ơn” cho tất cả những đất nước, những chủng tộc, những sắc dân đã rộng tay giúp đỡ bố tôi, các em tôi, đồng bào tôi, hay chính bản thân tôi! Dù còn sống thì bố tôi làm được gì để trả nợ Hồng Kông hay nước Bỉ? Làm sao để hai cậu em tôi trả ơn cho những người thủy thủ Kuwait đã cứu mình thoát chết? Làm sao mà mấy cô em tôi gặp lại được những người dân Cam Bốt tử tế năm xưa? Có lẽ sẽ chẳng bao giờ gia đình tôi có thể trả nổi một phần nhỏ nào của những món nợ đó chứ đừng nói đến “tiền lời”! 

Có lần ngồi tâm sự với mẹ tôi khi bà còn sinh tiền, cụ bảo: “đừng nghĩ xa xôi, hãy cứu giúp những người cùng hoàn cảnh, nhưng bất hạnh hơn mình, tức là con đã gián tiếp ‘trả ơn’ cho những người đã giúp con ngày trước”!

Tôi chợt nghĩ, ừ nhỉ, mình còn có đến hơn một ngàn đồng bào ty nạn đang vất vưởng ở Thái Lan! Rồi tôi thầm nhủ, sẽ cố gắng để trả nợ và không quên lời mẹ dặn.Xin cám ơn quý vị đã đọc và giúp phổ biến bài viết này,  cám ơn những chia sẻ cùng tấm lòng nhân ái của quý vị, quý anh chị và các bạn.

Nam Lộc 

Wednesday, May 15, 2019

Người chủ tiệm không cần khách


Bài viết lại từ bài viết tiếng Anh của Stephanie Wilkinson, chủ tiệm ăn Red Hen ở Lexington,Virginia. Người không chịu phục vụ cho bà Sarah Sanders, phát ngôn viên Nhà Trắng.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Tôi đã nhận được thư từ những người ghét việc tôi làm gần một năm nay, kể từ khi tôi yêu cầu thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders rời khỏi Lexington, Va., nhà hàng của tôi, Red Hen, vào tháng 6 năm ngoái.
Vào thời điểm đó, đất nước đang hỗn loạn vì chính quyền Trump, với những hành vi ghê tởm của việc tách trẻ em khỏi cha mẹ chúng ở biên giới phía nam nước Mỹ . Trong nhà hàng 26 chỗ nhỏ bé này, chúng tôi cảm nhận ngay lập tức về chuyện làm kinh hoàng này dù là ở xa biên giới.

Đối mặt với việc phục vụ một bữa ăn ngon cho một quan chức chính quyền trong vai trò phục vụ vụ đất nước của chúng ta, chúng tôi cảm thấy bị vi phạm về các tiêu chuẩn cơ bản của con người, chúng tôi chùn bước. Chúng tôi không thể làm điều đó.

Tôi đưa bà Sanders sang một bên và lịch sự đề nghị cô ấy rời đi khỏi nhà hàng. Cô đồng ý, với tác phong lịch sự không kém. Cô ấy có thể hoặc không thể mong đợi ngày này sẽ đến, nhưng cô ấy không bao giờ có bất kỳ dấu hiệu phẫn nộ nào, hoặc thậm chí là bất ngờ. Chúng tôi đã từ chối phục vụ bữa ăn cho cô và cô ấy đã chấp nhận việc từ chối phục vụ.
Tôi chắc chắn cả hai chúng tôi đều nghĩ rằng vấn đề kết thúc tại đây.
Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, phương tiện truyền thông xã hội đã bốc cháy. Vụ việc đã chuyển từ một bài đăng trên Facebook sang một cái tweet nóng cháy phừng lên như xăng đổ vô lửa.
Cú đánh trả thật nhanh và dữ tợn. Trong vòng 24 giờ, đường dây điện thoại của nhà hàng đã bị hack, thiên hạ lùng kiếm tin tức cá nhân của tôi và nhân viên trên mạng, hăm dọa lấy mạng sống của tôi,gia đình và phá tan tài sản của tôi được đăng trên tất cả các mạng xã hội. Người biểu tình đóng đô các đường phố xung quanh nhà hàng. Hàng ngàn đánh giá Yelp giả mạo đã đánh bại cái xếp hạng của chúng tôi và rất nhiều người đặt bàn nhưng họ không có ý định tới ăn, chỉ muốn phá. Pundits than van gây gổ qua lại cho đây là nhà hàng dân chủ, nhà hàng cộng hòa. Và trong vòng chưa đầy ba ngày, Tổng thống Trump đã chế giễu chúng tôi trên Twitter.
Trong những ngày sau đó, tôi đã cố gắng cân bằng nỗi sợ hãi cho sự an toàn của gia đình và nhân viên của tôi trước thực tế là chúng tôi được bảo vệ tốt trong một cộng đồng nhỏ, yêu thương. 
Một cảm giác nổi bật là dường như tôi đã biết được những sự việc sẽ xảy ra; Có phải tất cả chúng ta có đều có một chỗ ngồi để coi cái gánh hát xiếc này diễn trò trong thời gian gần đây? Nhưng có rất nhiều điều tôi không thể dự đoán hoặc đánh giá thực sự có khả năng xảy ra như thế nào: có chăng chuyện anh chàng nhắn tin cho tôi từ một vùng ở thành phố Minneapolis thực sự sẽ đến thị trấn này để đốt cháy nhà hàng của chúng tôi? Tôi cảm thấy không thể biết được.
Khi thư bắt đầu đổ vào thùng thơ của tôi, mọi thứ trở nên quái đãng hơn. Trong vài ngày đầu tiên, người đưa thơ bỏ vô một lô thơ cột bằng day thung vừa vặn trong cái túi đựng thơ mà người này thường đeo trên vai. Nhưng chẳng mấy chốc, anh ta buộc phải sử dụng những cái thùng nhựa lớn màu trắng tràn ngập với những lá thư và gói hàng để đem tới trước cửa nhà tôi.
Nhìn chằm chằm vào nó làm tôi đau bụng. Trên mạng tôi có thể lọc bỏ email, đặt cài lại đặc quyền riêng tư của tôi trên Instagram và chặn người gọi trên điện thoại của tôi. Nhưng tôi có một cảm giác hoàn toàn khác khi đối mặt với một núi thư lấn chiếm hết cái ghế sofa trong phòng khách của tôi, không biết cái nào nói tốt cái nào nói xấu.
Thư tín gởi tới nhà qua bưu điện mang tất cả dấu ấn của con người thật hiện hữu, những người có cảm nhận mạnh mẽ về toàn bộ sự kiện mà họ không ngại đảm nhận tất cả những nhiệm vụ nhỏ nhoi từ việc viết thư ,kiếm  giấy viết, soạn thảo suy nghĩ, viết tay hoặc in ra, xác định địa chỉ của chúng tôi và nhét nó vào bao thư để gởi.
Trong hơn 4.000 lá thư được đánh máy một cách tỉ mỉ, những tấm bưu thiếp được viết nguệch ngoạc và những trang sổ tay bị bôi bẩn với cứt, tôi đã bị gán cho là một kẻ phân biệt chủng tộc, một kẻ hèn nhát và một kẻ giả hình. Một nạn nhân của hội chứng loạn trí vì Trump. Tôi là một thằng ngốc, hoặc tệ hơn, và là một người quản lý tệ hại. Chắc chắn, tôi đã đánh bại Sanders, nhưng bù lại công việc của tôi đang làm bị đi xuống cống.
Tuy nhiên, khi tôi tiếp tục mở thơ ra coi, tôi thấy một mô hình. Cứ mỗi một tin nhắn đáng ghét, thì có một thơ diễn tả lòng biết ơn. Cứ mọi cáo buộc giận dữ rằng hành động của chúng tôi bị thúc đẩy bởi việc không thể chấp nhận là Hillary Clinton thua cuộc, năm 2016, thì có thơ với một lời cảm ơn từ ai đó đang than thở về sự thờ ơ của Trump không bảo vệ những người dân nghèo bị thiệt thòi. Hơn nữa, với mọi mong muốn rằng việc kinh doanh của chúng tôi chết một cái chết đau đớn, thì có thơ với một đô la hoặc một tấm séc hào phóng hoặc một đơn đặt hàng để mua gift certificates.
Khi chúng tôi mở cửa sau 10 ngày gián đoạn, phòng ăn của chúng tôi đã đầy ấp. Trong những tuần tiếp theo, những người chưa bao giờ đến thung lũng Shenandoah đã đi ra ngoài để ăn cùng chúng tôi. Hàng trăm đơn đặt hàng cho hỗn hợp gia vị Red Hen của chúng tôi đã đổ vào. Và tình yêu lan xa ra khỏi cửa nhà hàng của chúng tôi, khi những người ủng hộ đã gửi hàng ngàn đô la quyên góp để cho quỹ lương thực địa phương, nhà trú ẩn cho người bị bạo lực gia đình và những người cảnh sát, cứu thương, cứu hỏa.
Sau gần một năm, tôi vui mừng nói rằng kinh doanh vẫn tốt. Tốt hơn là tốt nữa, thực sự là vậy. Và bên cạnh việc thúc đẩy tích cực các hoạt động của những tổ chức từ thiện trong khu vực của chúng tôi, doanh thu khách sạn và doanh thu của thị trấn của chúng tôi cũng tăng lên.
Những người ghét chúng tôi có thể tin rằng họ là đa số, là họ có nhiều người hơn là người ủng hộ chúng tôi, nhưng hóa ra chúng tôi có quá đủ để giữ cho chúng tôi tiếp tục làm việc đấu tranh. Và với tất cả những người có thể sợ hãi khi đứng lên nói lên tiếng nói của mình, tôi nói là đừng sợ. Kháng chiến không phải là vô ích, cho bạn hoặc doanh nghiệp của bạn.